Khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời áp mái nói riêng là chủ trương của Nhà nước, được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong nhiều văn bản, như: Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 25/ 11/2015); Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 11/02/2020); Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Chính vì vậy, việc đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã và đang được các đơn vị, cơ quan ban ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi.
Giá bán điện mặt trời hấp dẫn, được áp dụng 20 năm
Ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng phát triển điện mặt trời để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia. Quyết định cũng nêu rõ “khuyến khích các tổ chức, cá nhân với các hình thức sở hữu khác nhau tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo”.
Sau đó, nhằm đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, tạo nền tảng pháp lý cho việc thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo Quyết định này, bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền “có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời; ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại”, mức giá mua điện tại thời điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Quyết định có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2019.
Những hệ thống điện mặt trời áp mái có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2020 sẽ được áp dụng mức giá mua bán điện mặt trời theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg được ban hành ngày 06/4/2020 là 1.943 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện. Đây được đánh giá là mức giá hấp dẫn, đảm bảo lợi nhuận đối với các nhà đầu tư. (Xem chi tiết Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg)
Biểu giá mua điện mặt trời kèm theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg:
STT |
Công nghệ điện mặt trời |
Giá điện |
VNĐ/kWh |
Tương đương Uscent/kWh |
1 |
Dự án điện mặt trời nổi |
1.783 |
7,69 |
2 |
Dự án điện mặt trời mặt đất |
1.644 |
7,09 |
3 |
Dự án điện mặt trời mái nhà |
1.943 |
8,38 |
Tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ mọi vướng mắc cho chủ đầu tư
Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng Công ty, Công ty Điện lực thành viên đã triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển điện mặt trời. EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lắp đặt, phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà. Mới đây, ngày 09/7/2020, EVN đã ban hành văn bản số 4651/EVN-KD về việc thực hiện đấu nối, giải tỏa công suất điện mặt trời áp mái. Một số điểm nổi bật của văn bản này:
- Các Tổng Công ty Điện lực phải tuân thủ thực hiện việc mua bán điện với các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo hướng dẫn của EVN tại văn bản số 3725/EVN-KD ngày 01/6/2020. Trong quá trình thực hiện, không được yêu cầu các thủ tục, giấy tờ không thuộc thẩm quyền của đơn vị, gây khó khăn cho các nhà đầu tư và khách hàng sử dụng điện (chẳng hạn như giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường…).
- Với các hệ thống điện mặt trời áp mái đấu nối lưới trung áp: trong vòng 02 ngày làm việc, các Công ty Điện lực phải thực hiện xong thoả thuận đấu nối với chủ đầu tư.
- Các đơn vị phải chủ động công bố công khai, minh bạch và thống nhất quy trình về trình tự, thủ tục đăng ký thỏa thuận đấu nối, điều kiện thỏa thuận đấu nối; danh sách các trạm biến áp, đường dây (110kV, trung áp, hạ áp) bị quá tải và các trạm biến áp, đường dây chưa bị quá tải, lượng công suất còn khả năng đấu nối theo từng khu vực quận, huyện. Những thông tin này sẽ giúp chủ đầu tư có kế hoạch đầu tư dự án ở các khu vực phù hợp, phát huy tối đa hiệu quả công trình.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới trung áp tại các khu vực đầy, quá tải trong năm 2020 nhằm tạo điều kiện và khuyến khích tối đa các nhà đầu tư tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà. Thực hiện thỏa thuận đấu nối cho toàn bộ hệ thống có công suất nhỏ hơn 100 kW khi các chủ đầu tư đăng ký đấu nối.
Riêng với các hệ thống điện mặt trời chưa xác định là điện mặt trời mái nhà hay điện mặt trời nối lưới (như hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trực tiếp trên khung đỡ là mái che cho khu vực đường giao thông nội bộ, khung công trình che phủ khu vực canh tác nông nghiệp công nghệ cao…), ngày 23/7/2020, EVN đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo xem xét, sớm hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định giá mua bán điện theo đúng quy định, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư.
Nhiều hình thức hợp tác, hỗ trợ về vốn đầu tư
Không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi về quy trình, thủ tục pháp lý, cơ chế khuyến khích về giá, thuế, các nhà đầu tư điện mặt trời áp mái còn được hỗ trợ về vốn từ các gói tín dụng xanh của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Thời gian vừa qua, hàng loạt ngân hàng lớn đã tung ra các gói tín dụng dành riêng cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà với ưu đãi rất hấp dẫn, thủ tục nhanh gọn, tỷ lệ tài trợ lên đến 70% tổng mức đầu tư, tài sản đảm bảo chính là dự án cần lắp đặt.
Được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, điện mặt trời áp mái ngày càng phát triển, nở rộ trên khắp cả nước, nhất là khu vực phía Nam. Theo thống kê của EVN, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2020, đã có thêm 19.810 dự án điện mặt trời mái nhà được lắp đặt, tổng công suất 541,66 MWp. Lũy kế đến nay, số lượng dự án điện mặt trời mái nhà đã được đưa vào vận hành là 42.187 dự án, tổng công suất 925,8 MWp. EVN đã thanh toán tổng cộng 374,2 tỷ đồng cho các khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà và phát lên lưới điện bán cho EVN. Điện mặt trời áp mái được dự báo sẽ tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới, khi điện mặt trời ngày càng chứng tỏ được thế mạnh, lợi ích của mình và các nhà đầu tư được tạo các điều kiện thuận lợi nhất.